Tiếp Hiện và Bồ Tát Đạo


HT Thích Phước Tịnh

Pháp Âm đồng vọng.

Tôi ngồi đây lắng nghe quý thầy cô tụng bài kinh Bát Nhã thật hay. Ví như ngài Huyền Trang ngày xưa tuyển dịch nhiều bài Tâm kinh như thế này để đại chúng tụng thì mình chỉ cần ngồi nghe thôi đã đủ hạnh phúc rồi. Đôi khi, sự truyền đạt của pháp không cần đến ngôn ngữ. Chúng ta lắng nghe một bài kinh, lắng nghe không gian của núi rừng tĩnh lặng, tiếng chim hót ngoài vườn cây cũng đủ làm tâm thức ta lắng dịu.

Có một câu chuyện thiền rất hay để chứng minh điều vừa kể trên. Trong thời nhà Đường, Phật giáo ở Trung Hoa rất thịnh. Vua Đuờng Hiến Tông rất thích ăn sò biển. Hình dung rằng từ miền Đông, người ta bắt những con sò rất to và phải vượt ngàn dặm đường dài đem đến kinh đô lúc bấy giờ đang nằm ở Lạc Dương, không phải ở Bắc kinh như bây giờ, và cũng chẳng có phi cơ để đi cho nhanh. Những con ngựa cứ thay phiên nhau chạy từ bờ biển Đông cho đến kinh đô nhà Đường để dâng những con sò sống cho nhà vua. Mỗi một ngày, buổi ngự thiện tức buổi ăn sáng của nhà vua đều có những con sò như vậy.

Một hôm, người dân biển bắt được một con sò vô cùng đẹp, ngũ sắc lóng lánh như năm sắc cầu vồng. Người ta nghĩ rằng đây là con sò ngon nhất nên liền nấu để dâng lên cho Hoàng đế ăn buổi sáng. Thế nhưng có một điều kỳ lạ vì luộc từ sáng đến trưa mà con sò vẫn không chín. Thông thường, loại sò khi gặp nước sôi đều mở miệng ra. Nhưng luộc một buổi, miệng sò vẫn khép kín. Nhà bếp hoảng loạn và không biết làm sao. Họ liền đem dâng lên Hoàng đế và trình bày sự việc rất ư lạ lùng này. Vua cũng ngẩn ngơ, không giải quyết được nên liền mời vị Thiền sư vốn là Quốc sư của triều đình để tham vấn việc này. Vai trò của một Quốc sư là cố vấn về tâm linh, về những hiện tượng kỳ lạ cho nên những việc gì không giải quyết được đều mời ông đến.

Khi nghe chuyện, vị Quốc sư nói rằng ông ta có thể làm cho con sò mở miệng ra cho nhà vua thấy. Ta thử nghĩ xem ông ta làm như thế nào để cho con sò mở miệng? Đập thì không được vì lòng từ bi, bỏ vào nồi luộc thì cũng đã nấu nửa ngày rồi mà nó vẫn khép miệng. Điều kỳ lạ nơi đây là vị quốc sư chỉ cần cầm ba nén hương khấn cầu hộ pháp thiện thần và thần lực Tam bảo rũ lòng từ, thể hiện pháp âm cho hoàng đế giác ngộ. Khi thiền sư khấn xong thì con sò tự mở vỏ ra. Bên trong không phải là thịt sò bình thường mà là tượng của Bồ Tát Quan Thế Âm hiển hiện trong vỏ sò. Người Tàu thường làm hình vỏ sò với tượng Quan Thế Âm hiện bên trong là lấy từ câu chuyện đó. Vua Đường Hiến Tông rất kinh ngạc và hỏi vị thiền sư:

– Vì lý do gì mà thịt sò lại hiện hình Quan Ầm?

Vị thiền sư đáp:

– Bệ hạ không thấy trong Kinh Phổ Môn dạy: Bồ Tát Quan Âm ưng hiện cư sĩ thân thì hiện cư sĩ thân, ưng hiện tỳ kheo thân thì hiện tỳ kheo thân, hiện thiên long bát bộ, hiện đồng nam hiện đồng nữ, hiện các loại chúng sinh, hiện cỏ hiện cây. Bệ hạ là người có tâm lành hướng về Tam bảo nhưng nghiệp của bệ hạ lại thích ăn sò. Hôm nay, Bồ Tát muốn cho bệ hạ biết rằng bệ hạ đã gieo nghiệp sát sanh rất nặng cho nên ngài đã hiện thân làm một con sò để khuyến cáo, làm cho bệ hạ ý thức rằng sinh mạng của một loài chúng sinh vô cùng đáng quý và để cho bệ hạ chấm dứt chuyện ăn thịt chúng sinh.

Nhà vua gật đầu và nói:

– Ngài dẫn kinh thì ta tạm tin vì trong Kinh Phổ Môn có một đoạn như vậy. Thế nhưng nói rằng Bồ Tát hiện muôn vàn ức thân để giáo hóa thì ta không tin vì có nói lời nào đâu mà giáo hóa ta.

Khi nghe câu hỏi được đặt ra, vị thiền sư liền đáp:

– Thưa bệ hạ! Có phải khi bệ hạ nhìn thấy vỏ sò màu sắc lóng lánh thì kinh ngạc, có phải khi bệ hạ nhìn thấy vỏ sò mở, tượng Quan Âm hiện ra thì cũng kinh ngạc? Thế rồi bệ hạ có hiểu đây là hình tượng Quan Âm không?

Vua trả lời:

– Ta hiểu.

– Con sò có nói cho bệ hạ biết đây là hình tượng Quan Âm không?

– Không cần phải nói! Ta thấy thì liền biết ngay.

Vị thiền sư nhìn nhà vua và mỉm cười:

– Thế thì pháp âm đang chuyển để làm cho tâm thức bệ hạ thay đổi. Bệ hạ hãy lắng nghe đi. Pháp âm không phải đi vào tai mà còn đi vào mắt nữa. Không phải từ tiếng nói mà vô thinh cũng là pháp âm.

Từ câu chuyện trên, ta trở lại việc tụng kinh. Nếu như ta lắng nghe một bài kinh Bát nhã bằng một trạng thái tâm yên bình tĩnh lặng thì có lẽ không cần nghe thêm một lời pháp thoại nào khác vì nó sẽ dư. Như thế thôi cũng xứng đáng cho một khóa tu rồi.

Trong những ngày tu, nếu ta thật sự hiện hữu thì có thể tiếp xúc được với sự im vắng của núi rừng. Và ta cũng có thể tiếp xúc được với các thầy cô nơi đây khi thấy họ đi tới đi lui bằng phong cách an nhiên tĩnh tại, vì năng lượng lành đó cũng đủ đi vào tâm thức ta để lòng ta bình yên và lắng lại. Đây là một loại pháp âm mà các thầy cô cống hiến cho ta. Thậm chí trong thiền đường này, các thiền sinh chỉ cần ngồi bình yên tĩnh lặng thì cũng đã là một bài pháp đi vào tâm thức chúng ta rất dễ. Đó là điều cụ thể thứ nhất.

Kỳ thực, tâm thức chung của thiền sinh khi dự khóa tu cứ nghĩ rằng thời pháp thoại là thời tu học chính nhưng thật sự không phải như vậy. Đặt chân lên tu viện, từ ngoài cổng bước vào là chúng ta đã bắt đầu sinh hoạt, bắt đầu hành trì công phu thiền tập rồi. Chứ không phải chờ nghe bài pháp hay được dạy điều gì thì mới là thời khóa chính. Có khi không cần như vậy. Sự mong đợi nơi bài pháp thoại dường như là một việc rất ư là tự nhiên nơi tâm thức của cộng đồng Phật tử Việt. Trái lại, với thiền sinh Tây phương thì họ không có nhu cầu như chúng ta. Khi đến tu viện, những giờ có mặt là những giờ thực tập chứ không phải đợi đến giờ tọa thiền, nghe pháp, tụng kinh, v.v.. mới thực tập.

Cho nên, điều thứ nhất xin gợi ý nơi đây rằng trong một khóa tu, nếu chúng ta có thể tiếp xúc được với điều này thì nguyên một khóa tu sẽ nuôi dưỡng chúng ta rất nhiều. Bằng không thì chừng như chúng ta mất mấy ngày mà lợi ích không thật sự thấm vào trái tim của mình. Quí thiền sinh hãy hiểu rằng nếu mình biết nghe pháp thì pháp âm đồng vọng giữa đất trời, pháp âm có mặt trong cỏ cây, pháp âm cũng có mặt nơi đời sống và nơi cách tiếp xử của các thầy các sư cô có mặt nơi đây. Đây là điều đẹp đẽ đầu tiên mà mỗi khóa tu, ta có thể tự nuôi dưỡng được mình.

Ý nghĩa thâm sâu của dòng tu Tiếp Hiện.

Điều thứ hai là ngày hôm qua có buổi lễ truyền giới Tiếp hiện. Đa phần ở đây có một số các vị thiền sinh đã thọ giới Tiếp hiện. Tiếc rằng thì giờ hôm qua không có đủ để Sư Cô Chân Không và Thầy Pháp Đăng chia sẻ ít nhiều về nội dung của giới Tiếp hiện. Mình chỉ nghe Sư Cô Chân Không nói vài điều thôi. Tuy nhiên, mình xin đóng góp một vài ý kiến. Dĩ nhiên, sẽ có cơ hội các vị tham vấn với Sư Cô Chân Không để biết thêm ý nghĩa và bề dày lịch sử của dòng tu Tiếp hiện.

Thật sự, mọi việc không phải đơn giản có mặt một cách dễ dàng như chúng ta thấy. Đa phần đối với những thiền sinh mới đến với Sư Ông, họ thấy rằng để thọ 14 giới và khoác áo Tiếp Hiện của dòng tu thì việc này quá ư là giản dị. Các vị không biết là trong quá khứ, dòng tu Tiếp hiện đã được bắt đầu từ thập niên 1960. Những vị trưởng lão bây giờ tức là những vị có thâm niên hạ lạp về dòng tu Tiếp Hiện dường như còn lại rất ít. Một trong những loài chim quý còn sót cần bảo vệ là Sư Cô Chân Không hiện tại. Mình nhớ có nghe Sư Ông kể lại rằng: trong một khóa tu ở châu Âu xa xưa, Tăng đoàn còn nhỏ, không ai mang theo văn bản giới Tiếp Hiện. Thế rồi, Sư Cô phải đánh máy lại. Và từ đâu mà Sư Cô có để đánh máy và in ra? Từ ngay trong lòng mà ra. Hóa ra, Sư cô đã thuộc từng chữ của 14 giới Tiếp hiện rất chính xác như được bảo lưu cẩn mật nơi kho tàng tâm thức.

Mình gợi ý điều này để thấy rằng văn bản giới không phải chỉ để cho chúng ta tụng đọc suông vào mỗi nửa tháng, mà đúng ra chúng ta nên học thuộc lòng. Từng lời, từng lời là một sự thành tựu được tuyển dụng, được tuôn chảy ra từ nguồn tuệ giác của một vị thầy đã thấm nhuần hai dòng văn học Nam tạng và Bắc tạng. Ví dụ, khi đọc vào những câu trong Kinh Kalama thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, đức Thế Tôn dạy rằng: “Đừng vì lời nói ấy được những vị thầy chúng ta cung kính nói mà các vị tin. Đừng vì những lời nói ấy có mặt từ kinh sách cổ bốn năm nghìn năm mà chúng ta tin. Đừng vì lời nói ấy là lời được nhiều người truyền tụng mà chúng ta tin”. Tức là gồm có 12 câu với nội dung như vậy.

Thế rồi khi đọc vào giới thứ nhất của giới Tiếp hiện, Sư Ông bảo rằng: “Ý thức được những sự cuồng tín do cố chấp về chân lý đã làm khổ con người cho nên đối với một người Tiếp Hiện, việc đầu tiên là không được chấp chặt vào ý thức hệ cho dù đó là ý thức hệ đạo Phật”. Ngay giới đầu đã chứng minh đây là một văn bản được kết tinh từ tuệ giác của một bậc thầy dung hội được hai văn học A hàm (tức là văn học Nikaya) và văn học Phật giáo Đại thừa để hình thành được 14 giới cống hiến cho chúng ta. Thế nên không chỉ những thiền sinh Tiếp Hiện, mà những người Phật tử thọ 5 giới cũng nên học thuộc lòng văn bản này, vì từng lời từng lời mang hạnh nguyện vị tha của Bồ Tát, vận dụng trí tuệ và từ bi nhằm mang chánh pháp vào đời để làm định chuẩn cho đời sống tu học. Đây là nét thứ nhất.

Nét thứ hai. Chúng ta nên biết một chút về lịch sử của truyền thống Tiếp hiện. Vào những năm chiến tranh nghiệt ngã trên quê hương Việt nam, trường Thanh niên Phụng sự Xã hội ra đời như một mái ấm nuôi dưỡng những người thanh niên trẻ có lý tưởng phụng sự. Họ theo Sư Ông thọ giới Tiếp hiện làm tác viên của trường, mang trái tim yêu thương nóng hổi đi vào đời, mong rằng cứu vớt ít nhiều nỗi khổ niềm đau của con người, hàn vá lại vết thương do chiến cuộc tàn khốc gây nên. Các anh chị đầu tiên của dòng tu Tiếp Hiện đã hy sinh rất nhiều vì ba bên bốn phía người ta đều nghi ngờ, đối kháng thù nghịch và không mấy có thiện cảm với công trình hành đạo của Sư Ông, tức là công trình mang đạo vào đời. Những người giống như chị Nhất Chi Mai, như chị Phương Liên, chị Vui…đã nằm xuống vì vô minh, thù ghét và tàn độc của con người trút vào. Chị Nhất Chi Mai tự thiêu vì hòa bình, chị Phương Liên và chị Vui bị trúng lựu đạn ở chùa Pháp Vân. Thế nên trải trên con đường đi tới của dòng tu Tiếp Hiện, máu của nhiều tác viên trong quá khứ đã đổ xuống để xây dựng nền cho thế hệ chúng ta bước lên và hành Bồ tát đạo.

Tất nhiên, trong đây có rất nhiều vấn đề nhạy cảm vì nó đụng chạm và gây tổn thương uy tín cho bao vị Thầy hiện còn hoặc đã mất. Thậm chí Sư Ông hay Sư Cô Chân Không vì thương đạo nên đã chôn nó vào dĩ vãng và không hề nhắc lại. Nhưng chúng ta biết rằng dòng tu Tiếp Hiện duy trì được cho đến hôm nay, nó đã đi ngang qua chiều dài lịch sử vô cùng khó khăn của bao biến cố lịch sử đất nước, bao ganh tị thù ghét của con người.

Hiện tại, với người Phật tử Việt Nam thì sự có mặt của dòng tu Tiếp hiện không gây nhiều ấn tượng, họ dường như rất hững hờ. Nhưng đối với các thiền sinh Tây phương thọ 5 giới, thọ Tiếp hiện là một bước chuyển biến vô cùng to lớn trong công trình tu tập và phụng sự tha nhân, nên họ hết sức tự hào và rất mực nghiêm túc.

Kỳ thực, truy nguyên sâu xa thì dòng tu Tiếp hiện đã được ươm mầm từ rất sớm, bóng dáng của nó đã có trong quyển “Tình người” và biểu hiện đậm nét trong các quyển “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời”, “Đạo Phật Hiện Đại Hóa”, “Đạo Phật Và Hướng Đi Nhân Bản Đích Thực”,… . Sư ông viết những quyển sách nầy vào đầu thập kỷ năm 60. Trong ấy, Sư ông đã phân ra hai dòng tu cho Đạo Phật Việt nam: dòng tu Tiếp hiện và dòng tu Thể nhập. Hai dòng tu nầy hình thành một Đạo Phật Việt nam tráng kiện, sức sống bừng bừng, nội lực thâm sâu để tồn tại và thực sự hữu ích cho cuộc sống con người trong hiện tại và tương lai. Ngay danh từ Tiếp hiện thôi cũng đã nói được nội hàm đa tầng chứ không phải đơn giản là một tổ chức hình thức sinh hoạt như chúng ta thấy. Xin giải thích vài điều để nhận ra rằng danh từ Tiếp Hiện có chiều sâu uẩn áo. Ở mức độ thông thường, chúng ta hiểu rằng vai trò của người Tiếp Hiện mang hình thái một gạch nối giữa chư Tăng và người Phật tử cư sĩ, hoặc các thành phần khác của xã hội. Họ có trách nhiệm mang đạo vào đời, hay nói một cách khác là ứng dụng đạo Phật vào nhân gian để làm cho cuộc đời bớt khổ, và làm đẹp cuộc đời. Thế nhưng điều này là một ý nghĩa rất cạn ở bình diện thông thường thôi.

Ý nghĩa thứ hai là thừa tiếp bản hoài của chư Bồ tát trong quá khứ, biểu hiện hạnh trí tuệ và từ bi trong nhân gian. Tầng nghĩa thứ ba sâu xa hơn là thừa tiếp và biểu hiện được bản chất Phật nơi chính chúng ta. Tức là sống được với năng lực vô sinh- hay sống được với năng lực tuệ tri tự hữu- an trú trong ấy để hành xử giữa nhân gian và vận hành bánh xe chánh pháp của Như lai cống hiến “đạo đức vô hành”(chữ dùng của Sư Ông trong quyển “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời”) cho trần thế. Thế thì, nghĩa đích thực củaTiếp Hiện rất sâu xa. Đó là ta thừa tiếp năng lực Phật hay nói một cách khác, ta mang trong tự thân ta phẩm tính giác ngộ, phẩm tính Bồ đề và ta có quyền biểu hiện nó ra trong cuộc đời. Biểu hiện nó ra trong đời sống của ta, biểu hiện ra trên con đường làm đạo để giúp người cùng có khả năng đạt được giác ngộ như mình thì gọi đó là Tiếp Hiện.

Dĩ nhiên, trong vai trò Tiếp hiện thôi việc phải làm là thừa tiếp bản nguyện của các vị đại sĩ như Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền làm công việc lợi sinh. Và điều vô cùng cần thiết phải thành tựu là chúng ta nương vào bản thể giác ngộ nơi chính tự tâm mình hoàn thiện được sự nghiệp giác ngộ cho chính mình và cho người.

Liên hệ giữa giới Bồ tát và giới Tiếp hiện.

Điều kế tiếp, tôi xin liên hệ một chút về Bồ Tát giới đối với dòng tu Tiếp Hiện để cho quý vị thấy được vai trò của chúng ta rất lớn. Tôi vừa nghe Sư Cô Chân Không khuyến khích những người Tiếp Hiện nên có một chương trình ăn chay. Dĩ nhiên, điều nầy phải xảy ra đối với các vị trong dòng tu Tiếp hiện. Tôi mới đọc một thông tin về việc Indonesia vừa bắt một con tàu của người Trung quốc chở vi cá. Họ đã cắt 70,000 vi cá trên những con cá mập trắng chỉ để cung cấp cho giai cấp giàu có thượng lưu ăn uống, hầu tăng cường sức mạnh tình dục theo sự bịa đặt của khẩu truyền . Dường như đây là một loại thức ăn mà người Trung hoa rất thích. Ta hình dung sự ác độc của con người đối với tình trạng sát sinh vô tội vạ đưa đến sự hủy hoại không những môi trường sống của chính mình mà còn nguy hiểm vì mất nhân tính, mất đạo đức của một xã hội.

Dòng tu Tiếp Hiện là một dòng tu mang chánh pháp của Phật cống hiến vào đời, là biểu hiện hạnh nguyện bi trí cứu khổ vạn loại của các vị Bồ tát, là gạch nối để cho công trình làm đạo của chư tăng có thể phổ biến vào nhân gian. Do vậy, trách nhiệm và vai trò của người Tiếp Hiện lớn hơn nhiều so với tầm tư duy ù lì lâu nay chúng ta có. Hành tinh này đang run sợ về chuyện bạo động, cuồng tín, khủng bố, giết người. Con người càng lúc càng mất đi nhân tính, càng khiếp đảm về sự cuồng tín của một tôn giáo chứ không phải vì các ý thức hệ chính trị.

Duy nhất chỉ có đạo Phật là một tôn giáo không bắt chúng ta cuồng tín đối với đức Phật, không bắt chúng ta cuồng tín với niềm tin chúng ta đang theo. Nền tảng đạo Phật là trí tuệ từ bi. Cho nên vai trò của những người làm công tác mang đạo vào đời rất quan trọng. Chúng ta có thể làm cho chánh pháp Đức Thế Tôn lây lan vào nhân gian. Một người có năng lực tu thật sự sẽ gầy dựng được một cộng đồng tu. Một cộng đồng tu có thể gầy dựng nên rất nhiều cộng đồng tu. Thế thì sự có mặt của dòng tu Tiếp hiện không phải là chúng ta lan rộng bằng cấp số cộng mà lan rộng bằng cấp số nhân mới mong vực dậy được hành tinh, mới mong cứu vãn được tình trạng con người càng ngày càng lâm vào nỗi bàng hoàng, lo lắng, hoảng loạn và bất an. Đó là điều tôi gợi ý để thấy rằng việc này rất quan trọng trong đường hướng của ta, trong công trình của chúng ta đang đi tới.

Theo truyền thống đạo Phật trong quá khứ từ Trung Hoa đến Việt Nam, người cư sĩ Phật tử hoặc các tăng ni thọ Sa di, thọ Tỳ kheo thông thường đều thọ thêm Bồ Tát giới. Trong lễ truyền giới hôm qua, quý Thầy chia sẻ rằng 14 giới Tiếp hiện được chế tác từ nền tảng tinh thần Bồ Tát giới để đáp ứng công trình hành đạo trên vùng đất Tây phương; nhất là mang văn phong mới mẽ, sáng sủa mà nội hàm sâu sắc chuyên chở được tinh hoa của Phật giáo Đại thừa.Tôi sẽ giải thích Bồ Tát giới để đối chiếu lại với công trình tu tập và hành đạo của chúng ta để các vị thấy có sự tương đồng.

Bồ Tát giới cổ gồm có 10 giới trọng và 48 giới khinh và được tôn phụng trong các quốc gia Đại thừa Phật giáo như Trung hoa, Nhật bản, Triều tiên và Việt nam. Những giới này vốn không phải là pháp chế do Như lai và Tăng đoàn thiết định, mà được sinh ra từ sự phát triển của dòng chảy đạo Phật sau khi Thế tôn niết bàn. Vào đầu thế kỷ thứ năm (401- 412) trên đất Hoa, ngài Cưu Ma La Thập dịch văn bản Bồ tát Giới kinh mở đầu cho công trình truyền và thọ Bồ tát giới. Nhưng phải đợi đến năm 519, lúc Hoàng đế triều Lương là Vỏ đế huy động thần dân thọ giới thì nó mới thành một dòng chảy mạnh như hiện tại. Tuy nhiên, nếu gói gọn lại nội dung Bồ tát giới, chúng ta chỉ cần bàn đến hai phần là đủ bao hàm tất cả. Một là Tam tụ tịnh giới, hai là Tứ hoằng thệ nguyện.

Tam tụ tịnh giới gồm:

Gìn giữ luật nghi
Tu tập thiện pháp
Cứu độ chúng sinh

Tứ hoằng thệ nguyện gồm:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Vô biên chúng sinh thề nguyện độ hết, không chừa một chúng sinh nào. Đó là nguyện thứ nhất của vị Bồ Tát. Nguyện thứ hai – phiền não bời bời tràn ngập thế gian này, khổ đau, ưu tư, sầu muộn, bất an trong con, trong thế gian này, con xin nguyện đoạn sạch. Nguyện thứ ba – vô lượng pháp môn của mười phương ba đời chư Như Lai, của các vị đạo sư, của các bậc thầy, con nguyện học hỏi, thọ trì. Cuối cùng, quả chánh giác cao vời, thể Niết bàn tịch tĩnh, con nguyện thành tựu. Đây là bốn đại nguyện của những vị Bồ Tát.

Thế rồi, chúng ta có thể giản lược bốn câu này thành vài chữ thôi. Vài chữ gì? Trí tuệ và từ bi. Nếu nói thật gọn thì chỉ còn hai chữ: Trí và Bi. Trong mọi khóa tu Sư Ông tổ chức, đầu tiên là niệm Quan Âm và cuối cùng là tụng Bát nhã. Thật vậy, trong một pháp hành trì dù là rất giản dị như nghi thức tụng niệm cũng có Bi và Trí. Nếu ta đọc hết 14 giới thì nền của nó là Bi và Trí. Và nếu ta đi vào pháp hành Lục độ Ba La Mật của Bồ tát thì cũng có Bi và Trí chứ không có gì khác cả.

Sáng hôm nay, trước lúc pháp thoại, có một người Phật tử hỏi tôi: “Lục độ Ba La Mật có thể chứng được quả Phật không?”. Tôi trả lời rằng: “Nền tảng để chở năm độ kia là trí tuệ Ba La Mật. Nếu bố thí mà không có trí tuệ thì ta chỉ được phước sinh thiên thôi. Nhưng nếu có nền của trí tuệ phía dưới thì phước lành không phải để sinh thiên mà phước lành này xây nền rất căn bản thành tựu được thánh quả, chứng nghiệm Niết bàn”.

Khi đọc 14 giới Tiếp Hiện của Sư Ông viết thì ta đều thấy giới nào cũng có Bi và Trí bên trong cả. Tôi trở lại giải thích phần này để chúng ta có thể ứng dụng trong sự tu tập. Bằng không chúng ta cứ nói chữ nghĩa mà thôi.

Câu đầu là “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Thậm chí, ta niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng thì ngài có một câu là địa ngục chưa hết chúng sinh thì ngài nguyện không thành Phật. Bao giờ tất cả chúng sinh chứng quả Bồ đề thì ngài mới thành tựu quả vị Phật. Do vậy, cho nên người ta cứ nghĩ rằng mình cứ làm tội đi rồi có rớt xuống địa ngục thì cũng còn ngài Địa Tạng đang chờ ở đó để lôi mình lên. Ngài đang đứng dưới tầng 18 đợi ta cho nên cứ mặc kệ, tu không nên thân rớt xuống cũng có ngài Địa Tạng mà lo chi.

Nhưng ta đừng nghĩ như vậy vì rất sai lầm. Tại sao? Không có một vị Phật hay Bồ tát nào không có bản nguyện như vậy. Thế nhưng mà ngài đã thành Phật chưa? Đã chứng chánh giác từ xưa. Thế thì ngài dạy chúng ta điều này là ngài dạy thật hay là dạy dối? Chúng sinh như mình còn nheo nhóc, còn khổ đau nơi đây mà ngài đã thành Phật rồi. Thế thì đâu có đúng! Nếu ta hiểu một cách đơn giản như vậy thì oan uổng cho Ngài và thua thiệt cho ta. Nên hiểu rằng có hai loại chúng sinh chứ không phải một. Một loại là chúng sinh bên ngoài như con sâu cái kiến, loài động vật thấp hèn, loài động vật cao cấp cho đến loài người, cao hơn loài người là chư thiên, cao hơn chư thiên thì có nhiều vị trong cảnh giới vô sắc. Tuy nhiên, các vị Thiên vẫn còn trong sinh diệt.

Nhưng nếu chúng ta phải độ hết tất cả chúng sinh bên ngoài rồi mới thành Phật thì đời nào chúng ta mới thành Phật đây? Thậm chí, trong Kinh Kim Cang có câu:. Hãy độ tất cả chúng sinh vào vô dư Niết bàn thì Bồ Tát mới chứng được quả tịch diệt. Thế thì đời nào mà chúng ta có thể độ hết tất cả chúng sinh vào vô dư Niết bàn?

Kỳ thực, không những có chúng sinh bên ngoài mà ta còn có chúng sinh bên trong của chính mình. Thế nào là chúng sinh bên trong? Ở mức độ cạn, nơi hình hài năm uẩn của chúng ta là tập hợp bao nhiêu chúng sinh. Thử nhìn vào ruột mình để thấy vô lượng chúng sinh đang sống lúc nhúc trong đó. Thế rồi từng chúng sinh là từng tế bào của chúng ta. Mỗi tế bào có một đời sống. Não có phần đời sống của nó. Tim gan có phần đời sống của nó, v.v… . Tức là toàn bộ hình hài này là một tập thể chúng sinh như một quốc độ. Cho nên độ chúng sinh ở mức độ cạn nhất là độ hình hài này.

Độ bằng cách nào? Mọi sinh vật giữa trần đời từ con người cho đến chư thiên, cho đến các bậc thánh đều nhờ thức ăn để sống còn. Thức ăn được chia làm hai phần: một là thức ăn rất tiêu cực. Nó tàn phá. Nó hủy hoại ta. Thế thì ta không biết độ chúng sinh. Chúng ta phải dùng những thức ăn nuôi dưỡng hình hài này để làm cho nó khỏe mạnh, làm cho tật bệnh không dám bén mảng. Đó là một loại độ chúng sinh rồi. Đừng nghĩ rằng mình phải bán cửa bán nhà cho người mới độ người. Thưa không! Ta hãy độ hình hài ta trước đi. Ta hãy thương ta trước đi. Hãy thương hình hài ta bây giờ, thương nó đời kế tiếp, thương nó nhiều đời. Nếu vì nó mà sát hại rất nhiều sinh mạng loài vật, vì sự khát thèm thịt động vật mà ta gây nợ xương máu với muôn loài, thì đây là cách tàn phá và hủy hoại thân tâm ta đời nầy và đời kế tiếp. Dĩ nhiên chúng ta chưa nói đến tội giết người hay tự sát là một trọng tội “phi Bồ tát hạnh”.

Do vậy, hình hài này là một tập thể chúng sinh. Các vị nuôi nó bằng nhân không lành thiện. Nếu các vị tàn sát những chúng sinh bên ngoài để nuôi sinh mạng này thì đâu thể gọi là việc làm của bậc đại sĩ có bi, trí giữa nhân gian. Và khi nuôi sinh mạng này bằng cách tước đoạt sinh mạng các loài khác thì điều thứ nhất, tâm thức thù oán, căm giận, sợ hãi của nó không hề tan mất trong từng thớ thịt ta ăn mà những dư hưởng còn lại sẽ đi vào cơ thể của ta, dễ làm cho tật bệnh phát sinh. Điều thứ hai là ảnh hưởng của nó làm cho tâm thức ta rất nặng nề u uẩn và rất khó tu. Chắc như vậy. Đừng nghĩ là tâm thức vô hình. Ta căm thù ai, ta ghét ai, ta giận dữ đối với ai thì những năng lượng tâm thức này đều tác động thẳng vào tâm của người khác.

Năng lượng tâm thức của loài động vật tuy có khác biệt thấp cao nhưng đều rung động và ảnh hưởng như nhau. Một đất nước nào mà con người tàn ác, tạo nghiệp sát nặng nề, người xưa gọi là oán khí lên đến trời cao. Chắc hẳn, sớm với muộn chi thì cả một dân tộc đó sẽ nhận lại quả báo họ đã gây. Nghiệp ác ta làm nơi tự thân thì ta thọ nhận. Nghiệp ác từ sự cộng hưởng cùng một gia đình thì gia đình đó phải trả. Nghiệp ác phổ biến trong một dân tộc thì dân tộc đó chẳng chóng thì chầy cũng nhận lại từ hoạn họa chiến tranh đổ xuống. Trong đời sống này, mức độ cạn nhất là ta hãy độ chúng sinh nơi hình hài của ta bằng một phương tiện sống thiện lành để càng ngày thân thể ta càng nhẹ. Không gây nợ máu xương, khéo chăm sóc thân của mình. Đây là bước đầu tiên của chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.

Ở mức độ thâm sâu hơn, có một loại chúng sinh vô hình bên trong chúng ta. Nó là chi? Xin thưa, buồn là một chúng sinh. Giận là một chúng sinh. Ưu tư phiền muộn là một chúng sinh. Bất an là một chúng sinh. Khổ đau, tuyệt vọng là một loại chúng sinh. Vì nó tập hợp bao yếu tố để sinh khởi một cái buồn, một cái giận, một nỗi bất an, lo âu và phiền muộn. Kinh văn bảo rằng: “Hãy đưa tất cả chúng sinh vào biển vô dư Niết Bàn” thì gọi là tu Bồ Tát hạnh. Mình đừng tính cái chuyện là tôi phải độ ông A bà B. Hãy làm một việc vô cùng thông minh là ta độ chúng sinh khổ não đang có mặt ngay nơi tâm ta. Nguyên tắc của con đường Bồ Tát đạo là anh chưa biết lội mà xuống biển cứu người thì anh đang tự sát. Giống như ta đang đi xin ăn mà bảo rằng sẽ bố thí thì chỉ là sự lừa dối. Mình không có bản lĩnh của con người tu tập mà dạy người chữa trị để hết phiền não thì chỉ là câu chuyện nói cho vui thôi ! Có nhiều trường hợp các bác sĩ tâm lý trị liệu sau khi chữa trị cho người hết bệnh thì họ lại mất bình thường. Do vì bệnh nhân cứ trút những phiền muộn bất an vào họ mỗi ngày nên sự tải trọng khổ đau này nhận chìm họ xuống. Theo tình trạng này thì họ giống như chúng ta khi mình chưa độ được chúng sinh tự nội.

Tóm lại, hạnh nguyện Bồ tát là đầu tiên hãy độ hình hài, hãy chăm sóc hình hài bằng thiện pháp. Đây là đại bi tâm độ sinh. Kế tiếp, khi tất cả những chúng sinh vô hình bên trong sinh khởi trong ta như cái buồn, cái hờn, cái giận, cái bất an, ta hãy dùng pháp hành tuệ tri của Phật để độ cho nó vào vô dư Niết Bàn. Đây là đại trí lực của Bồ tát. Đó gọi là thành tựu bản nguyện của một người tu Bồ Tát hạnh. Tương ứng với tinh thần kinh Kim Cang “đưa hết chúng sinh vào vô dư Niết bàn thì người ấy chứng Phật quả”.

Pháp Học và Pháp Hành của Bồ Tát Đạo.

Dĩ nhiên, chúng ta sẽ phân ra hai tầng đi vào để thành tựu bồ tát hạnh. Tầng thứ nhất: từ pháp học. Tầng thứ hai: từ pháp hành.

Nền tảng trước tiên của công trình tu hay công trình Bồ Tát đạo được xây trên pháp học. Ví dụ, nếu ta chưa từng tiếp xúc với tăng thân, ta chưa từng học với Sư Ông về những bài kinh vô cùng căn bản như “Kinh Tứ Niệm Xứ” thì mình sẽ không biết đường đâu để hành trì. Cho nên nền tảng của công trình độ sinh được đặt lên pháp học. Quy chế cho các vị thọ giới Tiếp Hiện là nếu trong ba tháng mà không tụng giới thì coi như mất giới tướng. Giới Tiếp hiện không hề là chiếc áo các vị đang khoác trên thân cũng không phải tấm Điệp Hộ Giới các vị được nhận. Phẩm chất thực của người Tiếp hiện được đo bằng pháp học của các vị đủ nhuần nhuyễn hay chưa mà thôi.

Thế rồi từ pháp học chúng ta có được nền tảng vô cùng vững chắc để đi vào pháp hành. Pháp hành là chi ? Ví dụ như chúng sinh đó là buồn, là lo âu, là phiền muộn, là thất vọng, khổ đau đang cuồn cuộn sinh ra nơi tự tâm mình. Chúng ta có thể dùng một pháp là an trú ngay nơi hơi thở để độ tất cả chúng sinh vô hình ấy vào biển Niết bàn. Mình cũng có thể dùng một pháp như đi thiền hành để làm giảm nhẹ những nặng nề, những căng thẳng bên trong. Thông thường, ta cứ nghĩ rằng đây là những pháp phương tiện để dần dần đạt thẳng đến chân như, Niết Bàn hay tuệ giác. Nhưng đích thực không phải như vậy.

Kỳ thực, pháp hành của đức Thế Tôn chưa hề có pháp nào là phương tiện rồi từ phương tiện thành đạt được cứu cánh. Giống như các nhà Phật học Đại thừa thường lý luận là phải đi qua cánh cửa phương tiện, phải đến Hóa thành rồi mới đến Bảo sở của kinh Pháp Hoa dạy. Chúng ta mê văn học Đại thừa nên đã xô dạt những bài kinh thực tập vô cùng căn bản của văn học Nikaya về một hướng rồi gọi đó là Tiểu thừa. Trong thư pháp của Sư Ông có một câu rất hay: “Không có con đường đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường”. Không có con đường dẫn đến an lạc mà an lạc nằm ngay trên con đường. Không phải ta bước chân đi rồi đến cuối đoạn đường mới thấy ánh sáng mà ngay trên con đường vừa đặt chân lên là ánh sáng có mặt. Ngay một bước hành trì là nếm được hương vị pháp giải thoát.

Từ điều đó, trở lại pháp hành của niệm hơi thở. “Thở vào, tôi biết tôi thở vào. Thở ra, tôi biết tôi thở ra”. Có khi người ta bỏ mất cả một tháng để học cái chuyện “thở vào, tôi biết tôi thở vào; thở ra, tôi biết tôi thở ra”. Người Việt Nam trưởng thành theo truyền thống đạo Phật trong quá khứ nên nghe nói một khóa thiền chỉ để học thở vào thở ra họ cười khì. Họ bảo: ” Tưởng cái chi xa lạ, một khóa tu chỉ học cái chuyện thở vào thở ra. Không học thở vào thở ra thì tôi cũng biết chứ mắc gì mà tôi phải đến khóa tu như vầy.” Xin nhớ. Đức Thế Tôn có một câu tuyên ngôn rằng: “Pháp của ta lành thiện ở phần đầu, lành thiện ở phần giữa, lành thiện ở phần cuối.” Câu nói này ứng dụng ngay trong pháp hành trì. Khi bước vào một pháp hành “thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra”, nó hàm nghĩa rằng đi vào một pháp này sẽ chứng nghiệm được tuệ giác, thành tựu được Niết Bàn. Biết rằng “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc đáng làm đã làm, không còn trở lại hình hài này nữa”. Tột nguồn của tuệ giác bằng một pháp hành thở vào thở ra chứ không cần thêm gì nữa.

Để giải thích am tường hơn, bước đầu tiên của sự thực tập, ta thấy hơi thở đang đi vào, ta thấy hơi thở đang đi ra. Hàm nghĩa rằng ta là người đang thấy, ta là năng lực đang quan sát và hơi thở là đối tượng đang bị ta nhận diện. Ta nương với hơi thở để làm cho chúng sinh buồn giận bên trong ta lắng dịu đi. Nhưng mình đừng tưởng rằng pháp Phật chỉ dừng ngang ngần đó. Rồi sẽ đến một lúc những buồn, những vui, những lo âu phiền muộn lắng dịu lại và tự nhiên nó biến mất khỏi vùng trời tâm thức của ta.

Và còn cái gì nữa? Rồi sẽ đến một giai đoạn tinh tế hơn là những dòng ý thức trong ta cuồn cuộn chảy ngang như những dòng chữ in trên tường chạy ngang trước mặt. Khi ta làm được một việc là nhận biết hơi thở đang đi vào đi ra thì ta cũng nhận biết buồn vui đang đến đang đi. Rồi ta cũng nhận biết từng dòng ý thức đang cuồn cuộn chảy ngang. Hai tầng thâm sâu này được ta nhận diện. Điều đầu tiên khởi phát trong ta là: ta là người đang nhận diện những phần buồn vui, hờn giận, bất an. Những chúng sinh đang cuồn cuộn sinh ra trong ta sẽ trở thành những đối tượng bị ta thấy mà không phải là ta. Ngang đây, chuyện gì phát sinh? Ngang đây, những buồn, những vui, những hờn, những giận, những âu lo của ta lập tức rớt xuống. Nó không phải là ta. Nó đơn giản là những đối tượng bên ngoài, đến và đi, sinh và diệt. Còn ta đích thực là con người đang quan sát nó. Ta đích thực là con người đang nhận biết hơi thở vào ra thì ta sẽ làm được một việc rất thâm sâu là thấy từng cái buồn vui đến đi mà không bao giờ đồng nhất mình vào nó.

Thế thì một pháp hành hơi thở đoạn trừ được chi? Độ tận chúng sinh!

Một khi làm được pháp hành nhận biết hơi thở vào ra, ta sẽ đi vào tầng thâm sâu là nhìn được dòng ý thức đang cuồn cuộn ngược xuôi. Khi ta nhìn được nó thì nó là đối tượng bên ngoài ta. Tiến trình xảy ra là dần dần đối tượng kia rơi xuống, dần dần nó vắng mặt; nó tắt lịm; nó bốc hơi bay mất không còn dấu vết chi. Thế thì, cái gì còn lại ? Chỉ còn lại một năng lực tĩnh tại chói sáng hiện tiền, nhận biết đơn thuần mà không có nội dung gì để biết cả. Nó chỉ đơn thuần là một trạng thái biết mà không có nội dung gì để ta ghé vào. Ngang đây được gọi là gì? Ngang đây là chứng nghiệm được tuệ giác, thành tựu được chánh trí. Ngang đây là hành giả tan biến vào biển Niết bàn tĩnh tịch.

Như vừa nêu ở trên, pháp của Đức Thế Tôn hoàn thiện ở phần đầu, hoàn thiện ở phần giữa, hoàn thiện ở phần cuối. Từ câu dạy đó để quy chiếu lại pháp hành trì nhận biết hơi thở vào ra, ta tưởng chừng như đơn giản ư? Không! Chỉ cần nhận diện hơi thở vào ra thôi thì ta sẽ nhận biết được rằng một ngàn hơi thở chưa hề có hơi thở nào giống hơi thở nào. Người ấy đã bắt đầu đi vào định. Người ấy sẽ khám phá ra một điều là từ nơi hơi thở, con đường Bồ Tát đạo mở ra. Đó là độ tận chúng sinh bên trong của ta. Này buồn, này vui, này hờn, này giận, không có điều kiện để sinh khởi. Nếu có sinh khởi thì nó liền bị ta đưa nó vào biển Niết Bàn giải thoát. Đây là chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.

Thế thì có gì ghê gớm lắm không về chuyện “hành Bồ tát đạo”? Chẳng có chi là ghê gớm cả! Nó chỉ là việc rất bình thường như ăn cơm uống nước mà thôi. Nếu chúng ta có một chút đam mê tu tập thì nó xảy ra rất dễ. Đời sống nào cũng thế. Đến một lúc thì tất cả những đam mê trần thế như lợi, như danh, như vật dục trần gian tự nhiên rớt xuống. Tuổi trẻ có thể lao xao, có thể chạy ngược xuôi tham đắm. Ta muốn thế này, thế nọ, thế kia. Nhưng khi tâm thức người ta chín mùi đến một mức độ nào đó thì tự nhiên họ có niềm khắc khoải về đời sống, cảm thấy mặt trời chiều rồi cho nên họ bắt đầu con đường tâm linh. Khi ta bắt đầu đi vào con đường tâm linh, nó hàm nghĩa rằng ta đang đi con đường Bồ Tát. Ta muốn thành tựu sự giác ngộ nơi ta, và khi thành tựu sự giác ngộ thì năng lượng ấy sẽ tự động tìm cách lây lan đến với người. Do vậy, tự lợi là có lợi tha. Đây cũng chính là bước đầu tiên của chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.

Điều thứ hai – Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Mọi thứ phiền não đều được đặt trên nền tảng gì của con người vậy? Trên bản ngã của ta, nhân cách của ta, niềm tự hào của ta, sự kiêu ngạo của ta, v.v… Nhưng nếu thấu đạt được pháp hành trì, an trú ngay trong một pháp hành niệm hơi thở, tức là ta luôn làm người đang quan sát hơi thở vào ra, luôn làm nhân chứng để thấy buồn vui đang đến đi, luôn làm nhân chứng nhìn từng dòng ý thức đang ngược xuôi thì phiền não không có điều kiện dính với ta. Cũng không còn điều kiện sinh khởi. Tại sao? Mọi thứ phiền não đều được dệt bằng ý thức của ta, ưu tư phiền muộn của ta, lo lắng bất an của ta.

Điều kỳ lạ là tâm thức của chúng ta có công năng nuôi dưỡng bản ngã. Mà bản ngã thì vô cùng láu cá. Láu cá là sao? Nó tìm mọi cách để xác lập sự tồn tại của chính nó. Cách đầu tiên là nó muốn mọi người phải quan tâm đến nó, chú ý đến nó, thương yêu nó. Điều này dường như rất đúng. Ta là một con người. Ở bình diện xã hội thì con người là một động vật liên hệ với nhiều người chứ không thể sống đơn độc. Khi anh đặt mình trong lòng xã hội loài người thì anh muốn người ta để ý tới và quan tâm tới anh, thương yêu anh. Điều này rất hẳn nhiên. Rời vòng tay yêu thương của bố mẹ thì ta cũng tìm một người khác để làm chỗ tựa đời ta. Dường như đây là nguyên lý vĩnh hằng. Tìm một người để có chỗ tựa, để tự hào là tối thiểu cũng có một người thương tôi.

Mặt trái của nó là chi? Ta có một người để làm lực đối kháng lại tại vì theo nguyên tắc bản ngã được xác lập, một là quy vào nó, hai là nếu kẻ nào vụng về trái ý, chống chế nó thì nó coi đó là lực đối kháng để củng cố sự tồn tại của nó. Một là nó cần thương, hai là nó cần ghét. Hai điều này luôn là con thuyền chòng chành. Chưa bao giờ có một đời sống gia đình nào mà không chòng chành. Hạnh phúc là một cái gì luôn lắc lư bất ổn. Tình bạn luôn xung đột. Tình cảm giữa cha mẹ con cái cũng luôn đòi hỏi sự xao động, bất an, giằng co như thế này. Dường như nó rất cần trò chơi kéo dây. Phải đung đưa qua về. Đây là cách để bản ngã tự xác lập.

Khi đi sâu vào công phu thực tập, ta sẽ nhìn ra được là mọi thứ phiền não đều phát sinh từ tâm thức bản ngã của ta muốn xác lập chính nó. Bản ngã này đòi hỏi mình phải nuôi từng ngày để tồn tại. Thế tôn đã từng dạy những bài pháp về bốn loại thức ăn. Cảm xúc của ta cần được nuôi từng ngày để sống còn. Cái nhìn của ta cũng cần được nuôi từng ngày để có thể nhận diện sắc màu. Lo âu phiền muộn của ta cũng phải được bơm hơi từng ngày để duy trì. Suy nghĩ cũng cần được cho ăn từng ngày để nó kéo thành từng tràng dài huyên thuyên không dứt.

Điều thứ nhất, tính năng của bản ngã luôn cần mọi xung đột và chất liệu phiền não để nuôi dưỡng nó. Điều thứ hai, bản chất của nó vốn không thực có do vì nó rất cần bồi dưỡng để được sống còn. Nếu không bồi dưỡng thì nó chết. Nguyên tắc của nó là như vậy. Không có xung lực thì nó tạo xung lực. Không có người thương thì nó cũng tạo cách cho có người thương hoặc ghét. Vì vậy, nếu mình thực tập bằng cách cắt nguồn nuôi dưỡng buồn giận từng bước từng bước một thì cũng chỉ là chặt trên ngọn mà thôi. Và đó cũng chỉ là một pháp tu vô cùng tiệm tiến chứ không phải là con đường trí tuệ chúng ta tu tập.

Con đường trí tuệ là chi? Khi các vị nhìn được bản ngã thì bản ngã là đối tượng bị nhìn, là cái bên ngoài mà không phải là ta. Ta chính là năng lực đang thấy bản ngã đang vận hành. Nếu đi vào chi tiết thì năng lực thấy là cái chi? Cái con người đang quan sát những dòng ý thức, những toan tính thì thầm đây, những lo âu phiền muộn đây. Những cái rầm rì độc thoại phê phán trách cứ người, v.v.. đều là những thức ăn nuôi dưỡng bản ngã. Nếu ta có thể tách mình riêng ra được, ta là người quan sát nó thì điều rất tự nhiên là buồn giận sẽ tự rơi, bản ngã sẽ tự rời ta ra đi. Ngang đây, ta đã làm được một điều là vô tận phiền não chặt ngay gốc! Không phải là cưa cành cưa nhánh, không phải là bẻ lá bẻ ngọn mà là đào hẳn tận gốc, đoạn đứt ngay tức khắc trong một tróc tay.

Từ điều này quy chiếu lại một câu trong Kinh Bát Nhã mà chúng ta vừa nghe tụng. “Khi Bồ Tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn là không, ngài liền đoạn tất cả khổ ách.” Chỉ cần soi năm uẩn thì năm uẩn liền là không chứ không cần làm gì thêm cả. Đây là pháp hành trực tiếp bằng con đường tuệ giác của thiền tập, hàm nghĩa rằng: khi hành giả dùng con mắt tâm thấy năm uẩn thì năm uẩn liền trở thành đối tượng bị thấy ở bên ngoài họ. Ví dụ, tôi nhìn đại chúng nơi đây một ngàn người hay là năm trăm người hay là ba trăm người hay là vài ba người, khi tôi nhìn các vị thì các vị thành đối tượng trước mắt tôi, còn tôi là một người duy nhất đang nhận biết sự có mặt của các vị. Nếu xoay cái nhận biết ấy nhìn ngược lại, năm nhóm sắc thọ tưởng hành thức, khi tôi thấy nó thì nó là chi? Là đối tượng bên ngoài tôi mà tôi là người đang quan sát nó. Và cho dù người ta giải thích sắc có một ngàn mảnh nhỏ kết tụ, thọ gồm có vui buồn, hờn giận, bất an, ưu tư, sầu muộn, một ngàn tầng sai biệt, tưởng gồm có một ngàn tên khác nhau, dù cho người ta có chẻ mỏng năm uẩn thành từng lát nhỏ, thành hàng triệu miếng nhưng nó vẫn là đối tượng bị nhìn mà nó không phải là ta.

Thế thì ta là chi? Ta chính là bản chất tâm vô niệm chiếu sáng đang nhìn thấy năm uẩn, con người đang quan sát. Ta dùng từ “con người đang quan sát” chỉ để dễ hình dung nhưng đích thực vốn không có con người chi cả. Chỉ đơn thuần là cái chi? Chỉ là cái nhận biết<, chỉ là cái thấy. Ta nhận biết hơi thở đang đi vào, hơi thở đang đi ra như thế nào thì ta nhận biết năm uẩn như thế ấy. Hơi thở là đối tượng để cho ta nhận biết nó vào ra, nhưng ta không phải là hơi thở đang vào ra. Ta chính là năng lực chánh niệm đang thấy hơi thở đang vào ra. Đi vào tầng sâu, ta không hề là cảm thọ vui buồn mà ta là năng lực chánh niệm đang thấy từng cái buồn vui đang đến đang đi trong ta. Đi vào một tầng sâu nữa, ta không phải là những dòng suy nghĩ mà ta là năng lực chánh niệm đang thấy những dòng suy nghĩ đang vận hành.

Ứng dụng được pháp quán chiếu này vào năm uẩn thì ta đích thực là tuệ giác, đích thực là tuệ tri, đích thực là năng lực đang quan sát. Năm uẩn trở thành cái bên ngoài ta, là đối tượng bị quan sát. Rồi nó còn hay mất vậy? Nó vẫn đi tới, vẫn đi lui, vẫn ăn, vẫn uống, vẫn bình thường nhưng tâm ta không dính chi năm uẩn cả. Ta luôn làm người quan sát năm uẩn đang vận hành trên mặt đại địa này. Thậm chí, nó buồn, nó vui, nó hờn, nó giận, những thứ ấy có thể sinh khởi trong ta nhưng ta luôn là người đang quan sát, đang thấy nó. Thế thì không dính gì nhau! Điều nầy không có hàm nghĩa rằng khi tu tập đến giai đoạn này rồi ta trở thành tàng hình, biến mất và vô cảm. Không! Vẫn là con người bình thường nhưng những buồn vui hờn giận không làm cho xao động, bất an. Tóm lại, không đồng nhất mình với năm uẩn thì năm uẩn là rỗng không trong hiện tiền dù nó đang hiện diện sờ sờ đấy.

Đây là phần thứ hai. Khi ta nắm được pháp hành trì thì gốc rễ phiền não sẽ bị đoạn tận. Bằng không, ta chỉ làm một việc vụng về là ta dẹp cái buồn này thì có cái buồn khác nổi lên. Đoạn trừ cái lo âu kia thì có cái lo âu nọ tràn về. Loại bỏ vọng thức lăng xăng này thì vọng thức lăng xăng khác lại cuồn cuộn kéo đến. Trong khi đó, nếu thấy được pháp, đi vào con đường hành trì thật sự thì buồn vui, vọng thức lăng xăng, chuyện đến đi sinh diệt không dính chi ta cả! Ta như người ngồi trên đỉnh núi nhìn dòng người đang ngược xuôi, nhìn dòng đường xe cộ đang qua lại chứ ta không hề leo lên những chiếc xe kia để nó dẫn mình đi đến ngút ngàn xa. Không hề!

Do vậy, thấu được pháp hành trì từ con đường niệm hơi thở đi vô thì chúng ta có thể đoạn sạch phiền não, cứu độ những loại chúng sinh trong ta. Điều quan trọng là ta có làm hay không mà thôi! Chứ đoạn phiền não không phải là chuyện khó.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Đây là hai bước sau cùng của Bồ tát hạnh.

Vô lượng pháp môn làm sao học hết ? Trong thiên nhiên, dù rằng cơn bão cuồng nộ cấp mấy đi nữa thì tâm bão vẫn bất động. Nó luôn di chuyển theo cơn bão. Cơn bão đi đến đâu thì tâm bão theo đến đó. Tâm bão thì không có một chút gió. Cơn lốc xoáy ở vùng Trung Mỹ cuồn cuộn và có thể lôi cả chỉếc xe bồn chở xăng lên trời cao. Nhưng khi người ta thả những chiếc chong chóng vào giữa thì dường như nó không bay được và rớt xuống. Chứng tỏ rằng ngay giữa tâm của cơn lốc xoáy, không có một chút gió.

Từ ví dụ đó, ta trở lại pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Kỳ thực, pháp môn vô lượng nếu học từ cành từ nhánh những pháp đối trị, làm cái này để đối trị phiền não, làm cái kia để đối trị giận hờn, tu những phương pháp này để đoạn trừ ưu tư phiền muộn, để chứng nghiệm tầng tuệ nầy, tầng định kia thì đúng là nó có một triệu pháp môn để học. Thế nhưng, nếu ta thấu ngộ đạo, an trú trong một pháp niệm hơi thở hoặc niệm thân hành, hay dùng một từ khác là ta luôn luôn là người quan sát thì mọi thứ phiền muộn bất an, ưu tư sầu thảm của ta liền bị đốt cháy. Tóm lại, chỉ cần một pháp quan sát để đối trị thì vô lượng phiền não đều lặng lờ, không còn bóng dáng.

Nhưng ở tầng cạn thì xin gợi ý nơi đây. Đối với người tu học Phật pháp thì ta không từ nan một pháp hành, một quyển kinh nào của Đức Phật mà không đọc. Con đường tu tập ngoài việc thành tựu được tuệ giác nơi chính tự thân, việc rất cần là các vị có trách nhiệm mang đạo vào đời. Các vị là gạch nối giữa chư tăng và người cư sĩ Phật tử. Nhìn cách khác, các vị là gạch nối giữa cộng đồng người Việt và người Tây phương, có sứ mệnh và trách nhiệm cống hiến văn hóa và tuệ giác của Đạo Phật cho người Tây phương.

Thế nên, con đường dẫn vào Bồ Tát đạo là không từ nan một bộ môn học thuật nào của nhân gian mà không học. Cũng không từ nan tất cả pháp hành Phật dạy, và nội điển, kinh văn. Những vị Bồ Tát tái lai giữa cuộc đời này đều phải học pháp thế gian. Muốn hành đạo, muốn đem đạo vào đời thì phải học pháp thế gian và Phật pháp. Thậm chí, Bồ Tát đệ bát địa trở lại nhân gian cũng phải học thế gian pháp và Phật pháp. Các bậc tái sinh cũng đều như vậy. Học văn hóa thế gian, nghệ thuật thế gian, ngôn ngữ thế gian, các ngành nghề thế gian mới có thể đem đạo vào đời. Cho nên ở mức độ bình thường như chúng ta ngoài năng lực tu tập và hiểu sâu nội điển, muốn mang Phật pháp vào đời thì phải giàu có trình độ tri thức hiểu biết mới có đủ điều kiện mang ánh sáng chánh pháp tặng cho thế gian. Mình nghèo nàn quá, nói chuyện với thiên hạ giống như người ở dưới thung lũng sâu tăm tối rồi ngẩng đầu lên nói cho người ta nghe thì không phải là việc làm của người tu Bồ tát hạnh.

Là một người Phật tử thọ 14 giới Tiếp hiện, không cho phép con đường học Phật của ta dừng lại. Không cho phép trình độ nhân gian của ta yếu kém. Mỗi một ngày ta mỗi ăn, mỗi một ngày tri thức phải trưởng thành. Con đường tu tập đối với những người cư sĩ Phật tử thọ 5 giới hay 14 giới là tối thiểu trên đầu giường phải có một bộ Đại Tạng Kinh. Phải thỉnh một bộ Đại Tạng Kinh để tụng đọc. Đại tạng là sách gối đầu. Trước khi ngủ, mở kinh ra đọc một vài bài. Vừa thức giấc, mở kinh ra đọc một vài bài. Đọc trực tiếp vào văn học Nikaya được dịch Việt ngữ. Người giỏi tiếng Anh thì nên đọc qua văn bản tiếng Anh. Xin khuyên nhau một lời. Chúng ta chưa phải là những vị Bồ Tát tái lai. Ta học để giúp ích mình trong một đời này, giúp ích bao người chung quanh có liên hệ với ta. Học để cho trong tương lai khi tái sinh lại giữa nhân gian, ta có một vốn liếng Phật pháp giàu có để hành đạo giữa cuộc đời. Hình dung rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, mỗi lần tái lai ngài làm cái chi trước vậy? Người ta tìm được ngài về ngụ trong kinh đô Lhasa. Điều đầu tiên gồm có 4 hay 5 vị cố vấn dạy về Phật pháp, dạy trối chết, học ngày học đêm. Mà ngài tái sinh đến lần thứ 14, tức là bậc Bồ Tát tái lai còn phải học Phật pháp và học pháp thế gian.

Vì thế, đừng nghĩ rằng chúng ta chỉ học Phật pháp thôi là đủ. Thưa không! Mình dùng một ví dụ dễ hiểu như thế này. Một người có một trình độ tri thức đủ rộng và biết nhiều lĩnh vực thì khi trình bày Phật pháp, họ không chỉ đơn thuần nói thuần một ngôn ngữ Phật pháp. Ngôn ngữ họ sẽ có chất thi ca, có nhạc điệu, có chiều rộng và chiều sâu. Bằng một loại ngôn ngữ đa dạng, đa tầng như thế thì nó sẽ đi vào tâm thức của người nghe dễ hơn là trình bày Phật pháp bằng một loại ngôn ngữ chỉ đơn điệu Phật pháp.

Do vậy, pháp môn vô lượng thệ nguyện học hàm nghĩa hai phần là học nội điển và học ngoại điển, học thế pháp và học Phật pháp. Chỉ có một lúc ta không buồn học nữa. Đó là lúc nào? Lúc không còn thở vào thở ra! Thì cho phép được nghỉ! Nguyên tắc là như vậy.

Khi còn thở vào thở ra, bắt buộc từng ngày từng ngày, mình phải tự nuôi dưỡng đời sống mình bằng con đường trí tuệ. Ta chưa phát sinh được năng lực trí tuệ tự nội, hãy vận dụng trí tuệ của Phật. Đức Thế Tôn là bậc chánh biến tri, có mặt giữa trần đời này và lời của ngài tràn đầy tuệ giác. Hai mươi sáu thế kỷ qua, những bài kinh của ngài dạy làm cho con người đương thời chứng thánh quả A la hán như thế nào thì ngay thời hiện tại, lời Đức Phật vẫn còn chói sáng và vẫn còn giúp cho người người chứng được quả chánh giác.

Vậy thì tại sao ta không đọc từng lời từng lời của Đức Thế Tôn vào mỗi sáng, vào mỗi tối, vào mỗi trưa? Học một bài hát có thể làm cho tâm thức mình chìm xuống, hệ lụy, buồn thảm, bất an. Học một bài kinh thì không hề có tác dụng như vậy. Một là ta đọc chưa quen nên ta ngủ lên ngủ xuống, hai là ta sẽ cảm thấy lòng tràn đầy sự hưng phấn. Không hề có trạng thái thứ ba. Thế cho nên câu vô lượng pháp môn thệ nguyện học có hai phần học chúng ta cần nuôi dưỡng. Nếu thức ăn nuôi dưỡng đời sống mình như thế nào thì con đường tu tập cần rất nhiều, rất nhiều công trình nuôi dưỡng từ pháp học nội điển, pháp học thế gian.

Thành tựu Bản hoài.

Cuối cùng, con đường thành tựu được tuệ giác này không phải là quá khó. Nó không phải là xa vời ngoài tầm tay với. Tại sao? Do vì bản chất Phật là cái sẵn có nơi chúng ta. Bản chất tâm của ta vốn là năng lực chói sáng nhận biết và không hề dính chi với bao nhiêu thứ phiền não. Không hề dính chi với cảm thọ buồn giận bất an. Cụ thể là thế này. Buồn nào cũng đến rồi đi. Vui nào cũng đến rồi đi. Lo âu phiền muộn cũng đến rồi đi. Sầu khổ bất an cũng đến rồi đi.  Nếu chúng ta có một chút kiên nhẫn thì tuyệt vọng nào cũng đến rồi đi cả. Một đời người sống đến 60 hoặc 70 tuổi thì chúng ta đã chạm tay vào biết bao nhiêu lần của nỗi buồn, của cơn giận, của sự bất an. Có những lúc ta thất vọng não nề nhưng với một chút kiên nhẫn thì mọi thứ đều đi ngang qua. Và rồi ta vẫn còn sống đến ngần này.

Thế thì điều rất dễ nhận ra rằng: Thứ nào cũng đến rồi đi. Chỉ có một thứ chưa hề đến đi. Thứ đó là chi? Bản chất thật của ta. Cũng chíng là con người đang quan sát buồn vui đến đi. Trạng thái này chưa hề vắng mặt trong ta. Bản chất thật đang quan sát được buồn vui nếu dùng danh từ chính xác thì nó là cái chi? Chính là vị Thế Tôn bên trong ta. Năng lực Phật của chính ta. Sự giác ngộ tự hữu mà ta đã có.

Từ điều này dẫn lại, danh từ Tiếp Hiện hàm một nghĩa sâu xa. Có một lần tôi nghe Sư Ông giải thích rằng nó hàm nghĩa thừa tiếp bản thể của chư Như Lai hiển hiện ra cuộc đời này. Thứ nhất là hiện ra một hình hài sinh diệt. Thứ hai là hiện ra vô vàn hạnh từ bi trí tuệ độ sinh. Chưa nói đến chuyện làm gì nhiều như các bậc đạo sư. Hãy nói đến chuyện rất bình thường như trong đời sống chúng ta. Bản chất bên trong rất thực của ta là bản chất Phật vô sinh bất động. Ta hãy thừa tiếp bản chất này. Ta hãy an trú trong tự thể tâm nhận biết chiếu sáng của mình ngay hiện tiền.

Để làm chi? Để chứng nghiệm được tuệ giác tức khắc, chứng nghiệm được thể pháp thân mà ta đang có. Và sống viên mãn được điều này gọi là hoàn thiện con đường của những vị thọ trì giới Tiếp Hiện. Hoàn thiện được điều này tương đương với các vị Bồ Tát đi vào đời hành đạo.

Chúng ta mang bản hoài vô cùng to lớn. Bản hoài cạn là giúp cho những người Tây phương, giúp cho những người cư sĩ Phật tử đến được với đạo bằng công phu hành trì, bằng nhân cách tu của chúng ta. Tiếp hiện ở tầng cao là chúng ta thừa tiếp bản hoài của mười phương ba đời các vị Bồ Tát có mặt trong không gian, mang ánh sáng chánh pháp tặng cho đời. Cuối cùng, thành tựu được Phật quả trong chính ta. Chứng nghiệm được thể Niết bàn đang có trong ta. Thế thì ta được gọi là người kế thừa được thể như như bất động trạm nhiên của tự tánh mình, trở lại nguồn vô sinh bất diệt. Đó gọi là con người thành tựu được quả vị Phật.

Dòng tu Tiếp Hiện có mặt từ thập kỷ 60 đến nay là bao nhiêu năm? Nửa thế kỷ! Ta hình dung rằng trong bề dày lịch sử như thế này, nó được khai sinh ra từ một bậc thầy tôn quý nếm trải hai dòng tư tưởng của Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền, cộng với cái nhìn rất sáng tỏ về công trình hành đạo ở các nước Tây phương. Văn phong của Sư Ông viết ra rất hợp với tâm thức của người Tây phương. Từng lời, từng lời chói sáng ! Dẫn dắt tâm thức người thời nay đi vào con đường Bồ tát đạo rất giản dị. Đây là điều gợi ý thứ nhất.

Điều thứ hai, bề dày lịch sử của dòng tu Tiếp hiện có vô vàn khúc mắc. Có những điều khá tế nhị mà chúng ta không muốn nói ra vì nó đụng chạm và tổn thương rất nhiều vị Thầy trong truyền thống Phật giáo. Sẽ có một buổi trà đàm và những người thân hữu thọ giới Tiếp Hiện lâu năm gặp Sư Cô Chân Không. Các vị nên sưu tập từng mảng rời sự kiện để viết lại lịch sử, tức là viết lại quá trình hình thành dòng tu Tiếp Hiện đến hôm nay. Bằng không thì chúng ta làm rơi rớt mất những điều vô cùng trân quý như kim cương. Chúng ta không lường được ngày mai sự việc gì sẽ xảy ra. Do vậy, điều quan trọng xin khuyên nhau là ta còn đang có cơ hội đây.

Điều thứ ba, nếu có điều kiện thì ta nên học hai văn bản của giới Bồ Tát và giới Tiếp Hiện và đối chiếu. Tôi có một niềm mơ ước là những khóa tu ở Florida có thể đem giới Tiếp Hiện và giới Bồ Tát dạy cho chúng Bồ Tát ở bên đó vì có khoảng vài trăm người thọ Bồ Tát giới. Nhưng việc này vẫn chưa làm được. Một chút gợi ý hôm nay để các vị thấy rằng nội dung của Bồ Tát giới và nội dung của giới Tiếp Hiện có những điều tương hợp và nặng nhẹ khác nhau. Từng câu chữ là một công trình tuệ giác đặc thù mà chúng ta chưa có điều kiện khai thác.

Điều thứ tư, hoàn thiện được phẩm chất của một vị Bồ Tát không phải là một cái gì xa vời. Nó không phải là cái gì khó khăn cả. Phàm là một con người sinh sống giữa trần đời này đến một lúc nào đó, đến một tuổi nào đó, đến một trình độ tri thức nào đó thì người ta cảm thấy mọi nhu cầu về đời sống dục lạc rất nhạt nhẽo. Hạnh phúc không phải chỉ bằng con đường của cải, vật chất, ngũ dục, lợi danh. Hạnh phúc đích thực của con người là chạm tay vào vùng đất vô sinh bất diệt nơi tự thân thì gọi đó là người đang đi vào hướng con đường Bồ Tát đạo.

Điều cuối cùng, đừng nghĩ rằng những điều chúng ta đang tu tập mang tính cách cá nhân. Thưa không! Các vị tu tập thành tựu được phẩm chất cao quý an lạc, hạnh phúc cho chính các vị thì tự nhiên con đường từ bi trí tuệ mở ra và các vị sẽ thấy việc cần phải làm. Chúng ta sẽ cống hiến cho con người bằng hai cách: Một là ta làm một cách rất ư thầm lặng, hai là chúng ta xông xáo vào đời. Hai con đường này đối với những người có được pháp hành trì thì họ tự có năng lực trí tuệ và tự định hướng cho việc họ làm. Đó là những điều gợi ý nơi đây. Xin cám ơn đại chúng.

Tu viện Lộc uyển ngày 08 tháng 11 năm 2015.

(phiên tả từ pháp thoại khóa tu người Việt)

,

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Discover more from Deer Park Monastery

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading